Viral là gì? Định nghĩa, đặc điểm và phân loại
Viral chắc hẳn là một khái niệm quen thuộc đối với những ai thường xuyên sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là những người làm trong ngành marketing. Vậy viral thực chất là gì? Tại sao marketing theo hình thức viral lại trở nên thu hút và được quan tâm đến vậy? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Viral là gì?
Viral, trong marketing, là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình lan truyền thông tin, nội dung hoặc chiến dịch quảng cáo từ người này sang người khác một cách nhanh chóng và rộng rãi, thường qua các nền tảng mạng xã hội, email, và các kênh trực tuyến khác. Tương tự như cách virus lây lan, nội dung “viral” ý chỉ sự phổ biến một cách tự nhiên mà không cần phải chi nhiều tiền cho quảng cáo.
Thông tin viral có thể dưới dạng một bài viết, hình ảnh, video hoặc bất kỳ hình thức nội dung nào có khả năng thu hút sự chú ý của người mà chúng tiếp xúc. Nó khiến họ cảm thấy hứng thú và muốn chia sẻ với mọi người xung quanh hoặc trên trực tuyến. Nhờ vậy, nội dung này lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi trong thời gian ngắn.
Viral Marketing, hay còn gọi là Marketing lan truyền, là chiến lược tận dụng hiệu ứng “viral” để quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu. Mục tiêu của viral marketing là tạo ra nội dung thú vị hoặc hấp dẫn đến mức người dùng cảm thấy thích thú và sẽ tự nguyện chia sẻ nó, từ đó tăng khả năng tiếp cận và nhận diện thương hiệu. Các chiến dịch viral thành công có thể tạo ra sự chú ý mạnh mẽ và mang lại lợi ích lớn về mặt thương hiệu và doanh thu.
Các công ty sử dụng viral marketing thuộc đa dạng các lĩnh vực khác nhau và đa phần viral marketing nhắm đến tệp khách hàng B2C, khách hàng mua sắm theo cảm tính hơn là khách hàng B2B.
Đặc điểm của viral marketing
1. Thu hút nhiều sự chú ý nhanh chóng
Một đặc điểm nổi bật của viral marketing là khả năng thu hút sự chú ý của đông đảo người xem trong thời gian rất ngắn. Việc nhanh chóng tạo được sự chú ý, giữ người xem quan tâm và kích thích sự bàn luận giúp đảm bảo các thông điệp cốt lõi của chiến dịch được truyền tải hiệu quả. Điều này đồng thời mở ra cơ hội lớn để quảng bá thương hiệu và sản phẩm.
2. Cảm xúc tự nhiên
Việc thu hút người xem trở nên dễ dàng hơn khi chiến dịch marketing có thể chạm đến cảm xúc của họ. Khi người tiêu dùng cảm thấy gắn bó cảm xúc với một sản phẩm, dịch vụ hoặc chiến dịch, họ có xu hướng tiếp tục tham gia vào những chiến dịch tương tự trong tương lai. Lúc này, họ sẽ quan tâm đến kết quả cuối cùng và theo dõi tiến trình đến cùng. Vì vậy, nhiều công ty tổ chức các cuộc thi hoặc bỏ phiếu để khuyến khích người tham gia, bởi họ mong muốn sự lựa chọn của mình sẽ giành chiến thắng.
3. Miễn phí
Viral marketing chủ yếu sử dụng nội dung miễn phí để khách hàng dễ dàng truy cập. Khi nội dung miễn phí, sẽ có nhiều người xem quảng cáo hơn, vì ít người muốn tham gia vào quảng cáo yêu cầu họ phải trả tiền. Ngoài ra, nội dung miễn phí còn khuyến khích người xem chia sẻ với bạn bè và gia đình, vì họ không cần phải yêu cầu ai đó phải trả tiền khi chia sẻ.
4. Mạng xã hội
Ngày nay, các chiến dịch viral marketing chủ yếu được triển khai trên nền tảng kỹ thuật số, sử dụng mạng xã hội để tăng cường việc chia sẻ nội dung. Hầu hết các nền tảng mạng xã hội đều cho phép người dùng nhấn nút “chia sẻ” các bài đăng trên trang cá nhân của họ. Chỉ với một thao tác đơn giản như vậy, những nội dung hấp dẫn có thể nhanh chóng được lan truyền rộng rãi, tiếp cận được nhiều người mà không cần tốn thêm chi phí quảng cáo.
Ưu và nhược điểm của nội dung viral là gì?
1. Ưu điểm
– Tiếp thị sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn hơn bằng cách tiếp cận người tiêu dùng. Phạm vi tiếp cận đa dạng và mở rộng này cho phép công ty thâm nhập vào thị trường mới, khám phá khía cạnh mới của người tiêu dùng.
– Nội dung độc đáo và sáng tạo. Ý tưởng của nội dung dựa vào xu hướng và tâm lý người xem. Nội dung càng thú vị, mới lạ sẽ càng có khả năng được lan truyền mạnh mẽ.
– Chi phí của viral marketing tiết kiệm hơn các chiến dịch marketing khác. Đã có nhiều nội dung ngắn gọn, đơn giản nhưng viral bởi đặc điểm thú vị nào đó đã giúp cho sản phẩm, dịch vụ trở nên hot và bán chạy trên thị trường. Nhờ vào việc người xem tự nguyện chia sẻ nội dung đến mọi người xung quanh, thông tin sẽ được tiếp xúc với những khách hàng tiềm năng.
– Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội, viral marketing là một trong những chiến dịch marketing hiệu quả và được ưa chuộng nhất hiện nay.
2. Nhược điểm
– Có thể gây phản ứng trái ngược với mục đích ban đầu của chiến dịch. Hơn nữa, những tin tức tiêu cực có khả năng lan truyền nhanh hơn những tin tích cực. Công ty nên có những biện pháp phòng ngừa và cách giải quyết truyền thông hợp lý khi có sự cố xảy ra.
– Hiệu quả của viral marketing sẽ khó đo lường hơn các chiến dịch khác. Mặc dù viral marketing có thể tạo ra sự chú ý lớn nhưng không thể đảm bảo nội dung đến đúng khách hàng mục tiêu và đối tượng mua hàng.
– Sự bão hoà có thể xảy ra. Khi một nội dung xuất hiện quá nhiều, người xem có thể cảm thấy nhàm chán và thậm chí là không còn hứng thú, muốn thấy nội dung đó nữa. Từ đó hiệu quả của chiến dịch sẽ bị giảm nghiêm trọng.